Triết gia Cicero

Triết gia Cicero
 
MARCUS TULLIUS CICFRO (106 – 43tCN), chính khách La Mã, nhà hùng biện, luật gia, người đã nỗ lực biện hộ (nhưng đã thất bại) cho những nguyên tắc cộng hòa trong các cuộc nội chiến cuối cùng tàn phá La Mã. Trước tác của ông bao gồm các tác phẩm hùng biện, diễn văn, khảo luận triết học và chính trị, và thư từ. Ngày nay, người ta nhớ đến ông như một nhà hùng biện La Mã vĩ đại nhất và là người sáng tạo nên khoa tu từ học Cicero. Nét đặc sắc nhất trong tư tưởng Cicero là sự nỗ lực thống nhất triết học và tu từ học. Bộ ba tác phẩm chính đầu tiên của ông - Nhà hùng biện, Cộng hòa. Luật lệ - đưa ra một cái nhìn về những triết gia chính khách mà thành tựu lớn nhất của họ là giải quyết các vấn đề chính trị bằng sự thuyết phục hùng biện chứ không phải bằng bạo lực. Cicero lập luận, triết học cần tu từ để hiện thực hóa những mục tiêu thực tế quan trọng nhất của nó, trong khi đó tu từ học sẽ vô dụng nếu không có những lý lẽ thuyết phục về tâm lý học, đạo đức học, và lôgic học do triết học cung cấp. Sự phối hợp giữa tu từ học và triết học này tạo nên cái mà ông gọi là humanitas (nhân đạo) - một từ mà ảnh hưởng lâu dài của nó được chứng thực bởi sự phục hưng sau này của chủ nghĩa nhân đạo - và chỉ mình nó cung cấp nền tảng cho các chính thể lập hiến; hơn nữa, nó có được chỉ qua đào tạo chính quy về những môn học xứng đáng với những công dân tự do. 
 
Trong triết lý về giáo dục, khái niệm giáo dục nhân bản của Cicero bao quát cả thi pháp, tu từ học, đức hạnh, và chính trị xét như một lý tưởng, đặc biệt đối với những người tin rằng, sự truyền dạy những môn học khai phóng là thiết yếu cho các công dân nếu sự tự tin về lý trí của họ được thể hiện bằng những cách thức hữu ích về mặt văn hóa và chính trị. Mục đính chính của những tác phẩm đầu tiên của Cicero là đem về cho nền văn hóa cao đẳng của La Mã một trong những sản phẩm đặc sắc nhất của Hy Lạp, tức là triết lý, và chứng minh sự ưu việt của người La Mã. 
 
Từ chỗ đó ông đòi hỏi luật lệ và những thiết chế chính trị của La Mã phải thể hiện thành công những gì tinh túy nhất trong học thuyết chính trị Hy Lạp, trong khi chính người Hy Lạp lại không xứng đáng với nhiệm vụ chủ yếu là đưa những lý thuyết của họ vào thực tế. Tiếp tục ý tưởng của các nhà Khắc kỷ coi vũ trụ như một toàn thể thuần lý, được trí tuệ thần thánh điều khiển, ông cho rằng, các xã hội loài người phải xây dựng trên quy luật của tự nhiên. Theo Cicero, quy luật của tự nhiên có những đặc tính của luật pháp con người. Thật vậy, bởi vì chúng phản chiếu rất chính xác những yêu sách của tự nhiên, luật lệ và các thiết chế La Mã cung cấp một mô hình gần như toàn vẹn cho các xã hội loài người. Nếu không tính đến những chi tiết cụ thể, học thuyết tổng quát của Cicero thiết lập một khuôn khổ lâu dài cho các lý thuyết phản thực chứng về luật pháp và đạo đức, trong đó có lý thuyết của Thomas Aquinas, Hugo Grotius, Francisco Suárez và John Locke. Hai năm cuối đời, ông cho ra đời một loạt những khảo luận - đối thoại nhằm đưa ra một tổng quan có tính bách khoa về triết học cổ Hy Lạp. 
 
Ông tán thành thái độ hoài nghi có hệ thống khi cho rằng, triết học là một phương pháp chứ không phải là một tập hợp những giáo diều. Tuy nhiên, khác với tinh thần hoài nghi của Descartes, sự hoài nghi của Cicero không mở rộng tới thế giới thực hữu đằng sau các hiện tượng, bởi vì ông hình dung được sự khả hữu của chủ nghĩa hiện tượng nghiêm ngặt. Ông cũng không tin rằng, sự hoài nghi hệ thống sẽ dẫn tới chủ nghĩa hoài nghi cực đoan về tri thức. Mặc dù không có sẵn chuẩn mực tuyệt đối để phânbiệt ấn tượng đúng với ấn tượng sai, ông biện luận, một vài ấn tượng thi “thuyết phục'' hơn và có thể dựa vào đó dể hướng dẫn hành động. Trong Academics, ông trình bày chi tiết những cuộc tranh cãi về tri thức luận thời cổ Hy Lạp, vạch một lối đi giữa chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa hoài nghi cực đoan. 
 
Một phương pháp luận tương tự đã chi phối tất cả trước tác sau cũng trong đời ông. Cicero trình bày những quan điểm của các trường phái chính, phê bình chúng và ủng hộ một cách lưỡng lự bất kỳ lập trường nào mà ông thấy là “thuyết phục''. Bộ ba tác phẩm - Về tiên đoán, Về định mệnh và Về bản chất của các Thần - xem xét tổng quan các luận thuyết của Epicurus, trường phái Khắc kỷ và của trường phái Plato về thần học và triết học tự nhiên. Đa số những nghiên cứu về tư tưởng và nghi thức tôn giáo đều điềm tĩnh, dí dỏm và khách quan một cách hoài nghi - đa số theo phong cách của các nhà bách khoa thế kỷ XVIII, những người cùng với Hume, tìm thấy nhiều điều nơi Cicero để tranh đua. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng, những luận thuyết của trường phái Khắc kỷ biện hộ cho Thượng Đế là ''thuyết phục''. 
 
Tương tự, về đạo đức học, ông phê phán các học thuyết của Epicurus, trường phái Khắc kỷ và trường phái Aristotle trong tác phẩm Về Cứu cánh, và những quan điểm của họ về sự chết, khổ đau, những cảm xúc ngoại lý và hạnh phúc trong tác phẩm Những cuộc tranh luận ở thành Tusculan. Tuy nhiên, tác phẩm cuối cùng - Về nghĩa vụ - lại đề xuất một hệ thống đạo đức thực hành dựa trên những nguyên tắc của trường phái Khắc kỷ. Mặc dù đôi lúc bị bác bỏ như thuyết chiết trung của một người ngoại đạo, phương pháp của Cicero - tuyển lựa từ những cái đã trở thành những hệ thống chuyên nghiệp đầy thế lực - thường cho thấy những suy tư thâm trầm và sự độc đáo.

----------
Share your research, Maximize your impacts
---***---

Xem thêm các bài viết vừa cập nhật trên eLIBRARY.vn

#buttons=(Bỏ qua !) #days=(20)

Hội thảo Khoa học QT xuất bản kỷ yếu ISBN, tham dự từ xa cập nhật tháng 10 và tháng 11 cho NCS và giảng viên XEM CHI TIẾT
Accept !
To Top